Tư vấn pháp luật về thừa kếDịch vụ Luật SưLuật sư tư vấnTranh tụng dân sựTư vấn pháp luậtTư vấn thường xuyên

Thừa kế thế vị và những điều cần biết

194views

Thừa kế thế vị là một trong những vấn đề được pháp luật thừa kế đề cập đến trong những năm gần đây, khi mà tình trạng “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” xảy ra khá nhiều. Thừa kế thế vị đặt ra trong phạm vi 4 đời theo trực hệ, từ cụ đến chắt. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào thừa kế thế vị và các điều kiện để thừa kế thế vị phát sinh hiệu lực

1.Khái quát về thừa kế thế vị

Đặt ra một tình huống cụ thể để khái quát về thừa kế thế vị: Ông A có 2 người con trai là B và C, B có con là D, C có con là E. Sự kiện pháp lý xảy ra là ông A và anh B cùng chết do tai nạn giao thông. Ông A đã mất vợ từ lâu, khi chết không để lại di chúc.  Vậy trong trường hợp này, thừa kế theo pháp luật sẽ được áp dụng. Vậy phần tài sản thừa kế mà đang ra B được hưởng sẽ thuộc về ai? Tất nhiên C sẽ không được hưởng hết, khi con của B vẫn còn sống, lúc này thừa kế thế vị sẽ được đặt ra: D sẽ thế vị bố là B để hưởng phần thừa kế đáng ra khi còn sống bố được hưởng.

Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 1999 đã định nghĩa: “Thừa kế thế vị là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế”. Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người được thế vị (con hoặc cháu) chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản (ông, bà hoặc cụ). Vì thế có thể hiểu, thừa kế thế vị là việc cháu hoặc chắt được hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ với tư cách thay thế vị trí của người cha hoặc người mẹ của mình để nhận phần di sản mà cha hoặc mẹ của mình được hưởng nếu còn sống.

2. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị

Điều 652 BLDS 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Do đó, các điều kiện đầy đủ để xuất hiện thừa kế thế vị như sau:

                Một là, con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cháu được thừa kế thế vị); cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (chắt được thừa kế thế vị). Như vậy, điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị đó là phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại). Sự kiện “cùng chết” này làm xuất hiện điều kiện đầu tiên của thừa kế thế vị.

                Hai là, những người thừa kế để lại sự thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất với người để lại thừa kế và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.

                Ba là, không bắt buộc họ phải có quan hệ huyết thống về trực hệ

Một trường hợp đặt ra là bố là con ruột của ông, nhưng cháu là con nuôi của bố, vậy cháu có được thừa kế thế vị từ bố nếu bố chết trước hoặc cùng lúc với ông hay không?

Điều 653 BLDS năm 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651, 652 của Bộ luật này”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Luật Nuôi con nuôi quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 24: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, nếu giữa con nuôi và bố nuôi có quan hệ nuôi con nuôi hợp pháp (có giấy tờ, hồ sơ hợp lệ chứ không phải là nhận bình thường) thì sẽ xuất hiện thừa kế thế vị, khi đó cháu – mặc dù không có quan hệ huyết thống với ông về trực hệ – vẫn được hưởng thừa kế thế vị từ bố là con ruột của ông.

                Bốn là, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc họ phải sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng phải đáp ứng điều kiện đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Tức là ông chết thì cháu phải còn sống vào thời điểm ông chết, hoặc cháu đã thành thai trước khi ông chết (thời điểm mở thừa kế), rồi sinh ra và tiếp tục sống thì mới đáp ứng thừa kế thế vị.

                Năm là, khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nếu cha hoặc mẹ đã bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị).

                Sáu là, bản thân người thế vị không bị tước quyền hưởng thừa kế theo khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015.

Như vậy, trong hàng thừa kế thứ nhất, người thừa kế thế vị được hưởng di sản chỉ có thể là cháu hoặc chắt. Tức là sự thế vị chỉ áp dụng cho đối tượng thuộc trực hệ đến đời thứ ba với điều kiện cháu phải sống vào thời điểm ông bà chết mới là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà, chắt phải sống vào thời điểm cụ chết mới là người thừa kế thế vị của các cụ. Cháu sinh ra khi ông bà chết nhưng đã thành thai khi ông bà còn sống cũng là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà (đối với chắt cũng vậy) nhưng khi sinh ra nó phải còn sống. Các thừa kế nhận di sản với tư cách là người thế vị sẽ phải chia nhau (chia đều) phần mà người cha hay người mẹ, người ông hoặc bà chúng nếu còn sống sẽ được hưởng.

                Như vậy, thừa kế thế vị là một chế định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản, tránh trường hợp di sản của ông, bà, cụ mà cháu, chắt  còn nhỏ không được hưởng phần mà đáng ra bố mẹ chúng được hưởng. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha, mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị.

Trên đây là một số quan điểm cơ bản về thừa kế thế vị, quý độc giả có thắc mắc xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi: 

CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI

Hotline:  0976504831/ 0939958886
Email: [email protected]
Website: 
 http://luatdongnamhai.com

Địa chỉ: Số 39, Tập thể Cục cảnh sát Hình sự, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN

Các bài viết có liên quan:

Một số khái quát về thừa kế; Phần 1;

Những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc;

Chia tài sản thừa kế không có di chúc