BLTTDS năm 2015 quy định thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Bài viết dưới đây của chúng tôi xin đưa ra về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự.
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong Tố tụng dân sự
1.Phạm vi áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn
Thủ tục rút gọn (TTRG) là thủ tục TTDS được tòa án áp dụng để giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động có đủ các điều kiện do pháp luật quy định trong một thời hạn ngắn do một thẩm phán tiến hành với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng và đúng pháp luật. Do đó, nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án dân sự theo TTRG là: (i) áp dụng các quy định tại Chương XVIII để giải quyết vụ án theo TTRG; (ii) nếu Chương XVIII không có quy định thì áp dụng các quy định khác của Bộ luật TTDS để giải quyết. Ngoài ra, nếu các văn bản pháp luật khác quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo TTRG thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo TTRG quy định trong Bộ luật TTDS năm 2015.
2.Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS, vụ án được giải quyết theo TTRG khi đáp ứng các điều kiện sau:
- a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
- b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
- c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Qua nghiên cứu, người viết thấy rằng đây là một trong những quy định mới, lại chưa có nhiều thực tiễn để kiểm nghiệm, do vậy, vướng mắc sẽ phát sinh từ quy định trên khi áp dụng vào thực tiễn chắc chắn là không tránh khỏi và tất nhiên sẽ rất khó khăn, nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời để thống nhất về nhận thức và áp dụng, đó là:
- Thứ nhất, hiểu thế nào là vụ án “có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng”?
Cách hiểu khá phổ biến hiện này về quy định này, mà theo đó, các tình tiết đơn giản, dễ dàng để Tòa án xác định được sự thật khách quan và cũng rất thuận lợi việc kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện của đương sự. Chẳng hạn, giữa nguyên đơn và bị đơn có hợp đồng tín dụng cụ thể, rõ ràng và các khoản vay đã được giải ngân, do vậy, bị đơn khó có thể chối cãi trách nhiệm đối với các khoản nợ của mình đối với nguyên đơn. Quan hệ pháp luật không phức tạp, nghĩa là tính chất vụ án đơn giản về mặt pháp lý, chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, nếu như bị đơn chỉ đồng ý trả khoản tiền là nợ gốc, đồng thời, phản đối yêu cầu thanh toán lãi quá hạn vì cho rằng nguyên đơn đã tính lãi quá cao. Sự xuất hiện tình tiết này, hiện có hai cách hiểu khác nhau:
+Cách hiểu thứ nhất: Trường hợp này bị đơn đã phản đối một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên không thỏa mãn điều kiện đương sự thừa nhận nghĩa vụ để Tòa án áp dụng TTRG.
+Cách hiểu thứ hai: Trường hợp này vẫn áp dụng được TTRG, vì bị đơn thừa nhận nghĩa vụ, nghĩa vụ ở đây là trả phần nợ gốc và khoản tiền lãi cho nguyên đơn. Bị đơn chỉ phản đối việc nguyên đơn tính lãi suất quá cao chứ không phải là việc bị đơn phủ nhận nghĩa vụ trả nợ của mình đối với nguyên đơn. Như vậy, vấn đề còn lại của tranh chấp này, đó là xác định lãi suất cho phù hợp theo quy định của pháp luật mà thôi.
- Thứ hai, hiểu như thế nào về tình tiết “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”?
Đương sự – theo quy định của BLTTDS được hiểu bao gồm cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Với các tranh chấp mà đương sự thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ, nghĩa là một trong các bên hoặc nhiều bên trong quan hệ tranh chấp đều thừa nhận nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền mà giữa họkhông đưa ra bất kỳ yêu cầu phản đối nào so với yêu cầu khởi kiện và sự thừa nhận thực hiện nghĩa vụ đó không trái với đạo đức xã hội cũng như không vi phạm điều cấm của pháp luật, do vậy, Tòa án coi đó là trường hợp đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ. Chẳng hạn, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán khoản nợ vay quá hạn thì phải có sự thừa nhận nghĩa vụ của bị đơn về khoản nợ đó hoặc trong trường hợp khoản nợ đó có người thứ ba bảo lãnh thì người bảo lãnh với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan đồng ý thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Để thống nhất trong áp dụng, tác giả đề xuất cần có hướng dẫn Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xác định từng yêu cầu của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ có yêu cầu độc lập) nào đang bị đương sự khác yêu cầu thực hiện nghĩa vụ để từ đó, trong văn bản thông báo nêu rõ từng yêu cầu của các đương sự và thể hiện rõ quan điểm có đồng ý với từng yêu cầu đó hay không trong văn bản trả lời.
Bên cạnh đó, việc hiểu đương sự thừa nhận nghĩa vụ toàn bộ nghĩa vụ cũng không loại trừ trường hợp họ không thể thực hiện theo đúng yêu cầu của nguyên đơn, mà có thể vì lý do hiện đang khó khăn về tài chính, như chưa bán được nhà, đang chờ kết quả Tòa án giải quyết vụ kiện chia thừa kế,…từ đó đề nghị được giảm tiền lãi và giãn tiến độ thanh toán. Như vậy, cần nên hiểu đương sự thừa nhận nghĩa vụ là đương sự không phản đối nghĩa vụ của mình đối với đương sự khác, nhưng không loại trừ việc cho phép họ đề xuất hướng xử lý, thực hiện nghĩa vụ của mình như xin giảm, miễn hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ đối với bên đương sự có quyền.
Trên đây là bài viết của chúng tôi về Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong Tố tụng dân sự. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI
Hotline: 0976504831/ 0939958886
Email: luatdongnamhai.dnh@gmai.com
Website: http://luatdongnamhai.com. Địa chỉ: Số 39, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN
Các bài viết có liên quan: