Tư vấn pháp luật về thừa kếLuật sư tư vấnTranh tụng dân sựTư vấn pháp luậtTư vấn thường xuyên

Quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

312views

Thừa kế bao gồm thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Vấn đề thừa kế theo di chúc được Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015 quy định bao gồm các điều kiện có hiệu lực của di chúc, chủ thể lập di chúc và quyền của chủ thể lập di chúc nhưng việc hiểu và áp dụng những quy định đó trong việc giải quyết phân chia di sản thừa kế theo di chúc trên thực tế còn nhiều vấn đề nảy sinh.

Trong bài viết kỳ này, chúng tôi xin đi vào vấn đề Quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc để làm rõ hơn những quy định của pháp luật về quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền đó.

I. Những vấn đề lý luận chung về quyền của người lập di chúc

1. Di chúc và người lập di chúc

          Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển dịch tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 BLDS 2015). Theo đó, di chúc là ý chí đơn phương của cá nhân, nhằm chuyển dịch di sản của người chết cho người khác đã được xác định trong di chúc. Đây là loại giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi chính người xác lập ra nó đã chết (khoản 1 Điều 643 quy định: “Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế”).

Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không lập được thành văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 627 BLDS).

          Người lập di chúc là người thành niên có năng lực hành vi dân sự; minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Người đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Điều 625 BLDS 2015).

2. Quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

2.1 Quyền của người lập di chúc

Quyền là khả năng pháp lý của cá nhân được pháp luật ghi nhận, tức là pháp luật công nhận cho người đó được hưởng, được làm, được đòi hỏi những gì. Quyền của người lập di chúc là biểu hiện của sự tự do ý chí của người có tài sản, trước khi chết có quyền định đoạt tài sản của mình cho người khác. Vì vậy, quyền của người lập di chúc gắn liền với quyền định đoạt tài sản.

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì quyền của người lập di chúc được thể hiện tại Điều 626 như sau:

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

  1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
  2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
  3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
  4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
  5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

2.2 Những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc

Quyền lập di chúc phải phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế, do vậy nó có những hạn chế nhất định, bao gồm:

  • Hạn chế về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế
  • Hạn chế về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
  • Hạn chế về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng
  • Hạn chế về quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất
  • Hạn chế về quyền đặt điều kiện trong di chúc.

II. Phân tích quyền của người lập di chúc và những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc theo pháp luật hiện hành

1.Quyền của người lập di chúc theo pháp luật hiện hành

1.1 Chỉ định người thừa kế (khoản 1 Điều 626 BLDS 2015)

Di chúc là sự bày tỏ ý chí của người có tài sản mong muốn sau khi mình mất tài sản sẽ được trao cho những người gần gữi, máu mủ của mình. Trong di chúc, người để lại di chúc chỉ ra ai là người được hưởng thừa kế, di sản thừa kế bao gồm những gì, phân chia cụ thể cho mỗi người như thế nào… Thông thường, những người được chỉ định trong di chúc là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản như vợ, chồng, con của họ (những người thừa kế theo luật). Tuy nhiên, người lập di chúc cũng có thể cho những người khác hưởng di sản của mình nếu họ ghi rõ trong di chúc. Đó có thể là Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội… hay bất kì cá nhân nào, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người lập di chúc.

1.2 Truất quyền hưởng di sản của người thừa kế (khoản 1 Điều 626 BLDS 2015)

          Người lập di chúc có thể lập di chúc cho tất cả những người thừa kế theo luật của mình được hưởng di sản, tuy vậy trong nhiều trường hợp thì một hay một số người là người thừa kế theo luật của người lập di chúc nhưng lại không được người lập di chúc cho phép được hưởng di sản nếu người lập di chúc không thích, không có cảm tình hay có những mâu thuẫn dẫn tới việc không cho hưởng di sản bằng cách truất quyền thừa kế của họ. BLDS không quy định cụ thể thế nào là “truất quyền hưởng di sản” do vậy nên có một số quan điểm như sau:

– Truất quyền hưởng di sản được nói rõ: là việc người lập di chúc tuyên bố một cách rõ ràng trong di chúc rằng một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật không có quyền hưởng di sản. Ví dụ: trong di chúc của ông A là bố đẻ của anh B ghi rõ: “Anh B không được hưởng bất kì di sản nào của ông A”, như vậy anh B trở thành người bị truất quyền hưởng di sản được nói rõ.

– Truất quyền hưởng di sản không được nói rõ: là việc người lập di chúc chỉ định một hoặc nhiều người thừa kế hưởng toàn bộ di sản nhưng lại không nói đến những người thừa kế theo pháp luật không được chỉ định. Khi đó người thừa kế không được chỉ định trở thành người bị truất quyền thừa kế không được nói rõ.

Ví dụ: Ông A có 2 người con là anh B và chị C. Trong di chúc của ông A ghi rõ: “Toàn bộ di sản của ông để lại cho chị C”. Như vậy đương nhiên anh B sẽ trở thành người bị truất quyền hưởng di sản không được nói rõ.

Tuy vậy trong trường hợp di sản được chia theo pháp luật thì đương nhiên họ vẫn được hưởng vì họ là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di chúc.

1.3 Phân định di sản cho từng người thừa kế (khoản 2 Điều 626 BLDS 2015)

          Trong di chúc, người để lại di sản sẽ chỉ định những người thừa kế, đồng thời họ cũng có thể nói rõ phần di sản mà mình để lại cho những ai, di sản gồm những gì… Phân định di sản cho người thừa kế thường được thực hiện trong trường hợp có nhiều người cùng được thừa kế. Việc phân định di sản cho những người thừa kế không nhất thiết phải ngang bằng nhau và người lập di chúc cũng không nhất thiết phải nêu lí do.

          Việc phân định di sản cho từng người thừa kế được phân chia thành ba trường hợp:

– Phân định tổng quát: là trường hợp người lập di chúc không xác định rõ phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng. Trong trường hợp này, nếu người để lại di sản trong di chúc chỉ chỉ định một người thừa kế thì toàn bộ di sản sẽ thuộc về người đó, còn nếu di chúc chỉ định nhiều người thừa kế thì di sản sẽ được chia đều cho tất cả những người có tên trong di chúc.

– Phân định theo tỉ lệ: là trường hợp người lập di chúc nói rõ trong di chúc của mình mỗi người thừa kế sẽ được hưởng một phần di sản nhất định trong tổng số di sản mà người lập di chúc để lại. Nên khi chia di sản thừa kế theo di chúc thì mỗi người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản theo tỉ lệ đã được xác định đó trên tổng giá trị khối di sản còn lại vào thời điểm phân chia di sản.

– Phân định cụ thể: là trường hợp người để lại di sản nói rõ trong di chúc của mình ai là người thừa kế và sẽ được hưởng tài sản là những hiện vật gì.

Theo khoản 2 Điều 659 BLDS 2015 quy định về phân chia di sản theo di chúc thì “Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

1.4 Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng (khoản 3 Điều 626, Điều 646 BLDS 2015)

          Di tặng được hiểu là việc người để lại di sản dành một phần trong số di sản để tặng cho người khác thông qua việc thể hiện ý nguyện trong di chúc. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.

          Di sản được di tặng có thể là động sản hoặc bất động sản, người lập di chúc có thể di tặng cho bất kì người nào, có thể là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, một cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức bất kì. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của người lập di chúc.

          Theo quy định tại khoản 3 Điều 646 BLDS 2015 thì: “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

1.5 Dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng (khoản 3 Điều 626, Điều 645 BLDS 2015)

          Tôn trọng quyền tự định đoạt của người lập di chúc khi để lại một phần di sản vào thờ cúng, trong trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

-Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

– Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

          Thông thường theo phong tục tập quán từ xưa thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thường được giao cho con trai trưởng quản lí, không có con trai thì giao cho em trai… Tuy nhiên pháp luật hiện nay không quy định người quản lí di sản buộc phải là những người trên, họ có thể là một người bất kì mà người lập di chúc chỉ định rõ trong di chúc hoặc nếu người lập di chúc chỉ nói về dành một phần di sản vào thờ cúng mà không chỉ rõ ai là người quản lí di sản thờ cúng đó thì người đó do những người thừa kế theo pháp luật cử ra.

          Phần tài sản dùng vào việc thờ cúng được xác định trong di chúc có thể là một phần trong khối tài sản của người lập di chúc hoặc cũng có thể là phần hương hỏa được truyền lại qua nhiều đời. Tuy nhiên phải phân biệt hai trường hợp:

          – Thứ nhất, nếu di sản dùng vào việc thờ cúng (động sản hay bất động sản) do người lập di chúc tự nguyện trích ra từ một phần tài sản của mình thì người lập di chúc có quyền chỉ định người quản lí di sản dùng vào việc thờ cúng đó.

– Thứ hai, nếu di sản dùng vào việc thờ cúng (động sản hay bất động sản) là nhà thờ họ, từ đường…được truyền lại từ đời này qua đời khác thì việc chỉ định người quản lí, trông coi phải do hội đồng gia tộc cử ra chứ người lập di chúc không có quyền. Điều này chưa được BLDS quy định.

Tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân khi lập di chúc, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của những người có liên quan, luật quy định tại khoản 2 Điều 645: “Trường hợp toàn bộ di sản của người chết đi không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.” Phần di sản dùng vào việc thờ cúng đó phải dùng để thanh toán các nghĩa vụ mà người lập di chúc chưa thực hiện khi còn sống.

1.6 Giao nghĩa vụ cho người thừa kế (khoản 4 Điều 626 BLDS 2015)

          Người thừa kế có quyền được hưởng phần di sản được thừa kế và thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản trong phạm vi di sản được hưởng. Đó là những nghĩa vụ về tài sản, nhưng người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản. Việc thực hiện nghĩa vụ của người thừa kế có thể xảy ra trong những trường hợp sau:

          – Người để lại di sản có thể để lại một nghĩa vụ về tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ người thừa kế nào phải thực hiện nghĩa vụ đó thì theo quy định của pháp luật: người nào hưởng thừa kế thì người đó phải thực hiện. Tuy nhiên người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại trong phạm vi di sản thừa kế đối với toàn bộ nghĩa vụ mà người chết để lại. Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc thì tất cả nhưng người đó phải thực hiện nghĩa vụ. Khi di sản đã được chia cho từng người thì mỗi người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng với phần di sản mà mình nhận được.

          – Trong trường hợp người để lại thừa kế đã xác định rõ tỉ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Nếu nghĩa vụ vượt quá số di sản mà người này được hưởng thì sẽ chia đều cho những người thừa kế khác thực hiện tương ững với phần di sản mà họ đã nhận. Trong trường hợp toàn bộ di sản mà người chết để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì người có quyền yêu cầu với người để lại di sản trong quan hệ trước đó chấp nhận rủi ro đồng thời nghĩa vụ chấm dứt.

          – Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế nhưng không chỉ định người này hưởng di sản thì không bắt buộc người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó. Tuy nhiên nếu người được giao thực hiện nghĩa vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì dùng một phần di sản mà người chết để lại để thanh toán nghĩa vụ đó.

1.7 Chỉ định người giữ di chúc, công bố di chúc (khoản 5 Điều 626, Điều 641 BLDS 2015)

          Để đảm bảo cho di chúc của mình không bị thất lạc, hư hại và được thực hiện theo ý nguyện của mình, người lập di chúc có thể gửi lại di chúc cho người nào đó mà mình tin tưởng hoặc có thể gửi lại ở cơ quan công chứng nhà nước.

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của BLDS và pháp luật về công chứng.

Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:

– Giữ bí mật nội dung di chúc;

– Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

– Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.

          Nếu người giữ di chúc đồng thời được người lập di chúc chỉ định là người công bố di chúc thì khi người lập di chúc chết, người đó phải công bố di chúc trước những người thừa kế theo thủ tục như trường hợp cơ quan công chứng là người công bố di chúc.

1.8 Chỉ định người quản lí di sản, phân chia di sản (khoản 5 Điều 626, Điều 616, Điều 617, Điều 618 BLDS 2015)

          Chỉ định người quản lý di sản nhằm đảm bảo cho di sản không bị mất mát, hư hỏng, hủy hoại. Người được chỉ định là người quản lý di sản có thể là một trong những người thừa kế của người đó nhưng cũng có thể là một người, cơ quan tổ chức bất kì nào đó. Người quản lí di sản có quyền hưởng thù lao đối với công việc quản lí di sản và mức thù lao được xác định theo sự thỏa thuận giữa người đó với người thừa kế.

          Chỉ định người phân chia di sản: Người quản lí di sản có thể đồng thời là người phân chia di sản cũng có thể là hai người khác nhau, tùy thuộc vào người lập di chúc chỉ định hoặc mọi người thừa kế thỏa thuận cử ra. Người phân chia di sản là người đứng ra phân chia di sản khi người để lạ di chúc chết. Việc phân chia di sản phải tôn trọng sự định đoạt việc phân chia theo di chúc. Nếu di chúc không xác định cách phân chia di sản thì phải chia theo sự thỏa thuận của tất cả các người thừa kế. Người phân chia di sản có thể được hưởng thù lao đối với việc phân chia di sản và theo mức mà người để lại di sản đã xác định. Nếu người lập di chúc không xác định điều này trong di chúc nhưng tất cả những người thừa kế có thỏa thuận thì người phân chia di sản vẫn được hưởng thù lao theo sự thỏa thuận đó.

          Việc xác định trong di chúc về người giữ di chúc, quản lý di sản và phân chia di sản chỉ thể hiện ý chí đơn phương của một bên trong việc thiết lập giao dịch dân sự về thừa kế. Vì thế, người giữ di chúc, quản lý di sản và phân chia di sản có thể từ chối công việc đó. Trường hợp cần thiết những người thừa kế tự thỏa thuận để cử ra.

1.9 Quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc (Điều 640 BLDS 2015)

          Điều 640 BLDS 2015 quy định người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất kì lúc nào.

– Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình thay thế một phần quyết định cũ của mình đối với các phần trong bản di chúc trước đó. Việc sửa đổi di chúc có thể là sửa đổi về quyền hoặc sửa đổi về các nghĩa vụ cho người thừa kế, có thể bớt hoặc tăng các nghĩa vụ và quyền mà người thừa kế phải thực hiện. Hay việc sửa đổi di chúc cũng có thể chỉ là sửa đổi về câu chữ cho rõ rằng, dễ hiểu hơn. Việc sửa đổi di chúc của người lập di chúc phụ thuộc vào phạm vi khối di sản của người đó để lại sau khi chết. Trong trường hợp người có di sản đã lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của mình cho những người thừa kế được chỉ định trong di chúc, sau đó người lập di chúc lại sửa đổi di chúc đã nhập, thì sự sửa đổi về phần di sản không vượt ra ngoài phạm vi giá trị và số lượng của di sản mà người đó để lại. Còn số người hưởng di sản có thể được thêm hoặc bớt đi theo đó, kỷ phần của họ sẽ được hưởng tăng hay giảm.

– Bổ sung di chúc: nếu như sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc gạt bỏ những quyết định cũ của mình thì bổ sung di chúc là thêm vào nội dung của di chúc một phần quyết định mới. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau, nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

          – Thay thế di chúc: là trường hợp người lập di chúc bằng ý chí của mình thay thế di chúc mà mình đã lập trước đó bằng di chúc mới. Việc thay thế di chúc đã lập trước đó bằng một di chúc mới đòi hỏi người lập di chúc thay thế phải hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn. Phải dựa vào ý chí tự nguyện của họ, không bị lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa.

          – Hủy bỏ di chúc là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình không công nhận giá trị của những di chúc mà mình đã lập trước kia. Do đó, di sản thừa kế sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện bằng cách người lập di chúc tiêu hủy tất cả những di chúc đã lập hoặc người lập di chúc lập một di chúc khác tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện bằng nhiều cách như: xé, đốt hoặc người lập di chúc tuyên bố với mọi người về việc bỏ di chúc đã lập, không công nhận di chúc đó…Mặc dù BLDS 2015 không quy định về hình thức hủy di chúc, nhưng việc hủy bỏ di chúc nếu được thực hiện trên cơ sở ý chí tự nguyện của người lập di chúc và pháp luật không cấm thì vẫn được công nhận việc hủy bỏ di chúc.

          Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc còn minh mẫn, sáng suốt và hoàn toàn tự nguyện, nội dung của các phần đó không trái với các quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

1.10. Định ra một thời hạn nhất định kể từ thời điểm mở thừa kế mới được phân chia di sản (Điều 661 BLHS 2015)

          Thông thường sau khi người lập di chúc chết thì di chúc phát sinh hiệu lực pháp lý và những người thừa kế có thể tự thỏa thuận phân chia di sản theo di chúc hoặc theo yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, pháp luật cho phép người lập di chúc có quyền định ra một thời hạn nhất định kể từ thời điểm mở thừa kế thì những người thừa kế chỉ được phân chia di sản kể từ thời diểm đó.

1.11. Lựa chọn hình thức của di chúc

          Trừ hình thức miệng phải tuân theo những điều kiện do pháp luật quy định, trong các hình thức còn lại của di chúc thì người lập di chúc có thể lựa chọn cho mình một trong các hình thức đó (di chúc có hình thức bằng văn bản có người làm chứng, không có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực).

 2. Những trường hợp hạn chế quyền của người lập di chúc theo pháp luật hiện hành

2.1 Về quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế

          Theo khoản 3 Điều 615 BLDS 2015 thì người lập di chúc chỉ có quyền giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản được nhận, nếu vượt quá phạm vi đó thì phần vượt quá sẽ vô hiệu, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ phần vượt quá đó.

          Nghĩa vụ được xét đến ở đây chỉ là nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.

2.2 Về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

          Pháp luật về thừa kế bao giờ cũng được đặt trên hai phương diện: phương diện kinh tế và phương diện đạo đức. Trên phương diện thừa kế, pháp luật thừa kế hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật về quyền sở hữu. Trên phương diện đạo đức, pháp luật thừa kế là một phương diện pháp lý để dịch chuyển tài sản từ người chết sang người còn sống khác qua đó để người quá cố làm tròn bổn phận của mình với gia đình họ. Dựa trên chuẩn mực đạo đức, pháp luật thừa kế quy định rằng việc chuyển dịch tài sản cho một số đối tượng đặc biệt là bổn phận bắt buộc đối với người để lại di sản.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của những người là cha, mẹ, vợ, chồng, các con dưới 18 tuổi và các con tuy đã trưởng thành nhưng không có khả năng lao động của người để lại di sản, trong trường hợp người có tài sản định đoạt trong di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng một phần di sản ít hơn 2/3 của một suất thừa kế được chia theo pháp luật thì người đó có quyền yêu cầu hoặc đề nghị tòa án giải quyết quyền được hưởng di sản bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên, những người nói trên không phải là người từ chối nhận di sản (Điều 620 BLDS 2015) hoặc là người không có quyền hưởng di sản (Điều 621 BLDS 2015). Theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 thì quyền hưởng di sản của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc luôn được đảm bảo thực hiện. Quy định này thể hiện: một mặt pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản, nhưng mặt khác chính pháp luật lại hạn chế quyền định đoạt ấy nếu người để lại di sản còn có những người mà khi còn sống họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc.

Việc phân chia để xác định một suất thừa kế:

         – Người không có quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 621 BLDS do có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nên bị pháp luật tước quyền hưởng di sản thì đương nhiên không được tính vào suất thừa kế (trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc)

          – Người thừa kế theo khoản 1 Điều 644 BLDS bị người để lại di chúc truất quyền hưởng di sản. Những người này dù bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản nhưng vẫn được hưởng một phần di sản. Vì vậy họ luôn là người thừa kế theo luật của người để lại di sản và trong mọi trường hợp họ vẫn được tính là một suất.

          – Người thừa kế bị người lập di chúc truất quyền hưởng di sản. Vì người đã bị truất quyền (trừ những người ở khoản 1 Điều 644 BLDS 2015) sẽ không được hưởng di sản thừa kế kể cả khi di sản được chia theo pháp luật. Vì vậy, những người này cũng không được coi là một suất.

          – Người từ chối nhận di sản: về nguyên tắc, những người này sẽ không được nhận di sản nữa dù là chia theo pháp luật, do đó họ không phải là một suất khi xác định một suất thừa kế chia theo pháp luật. Tuy nhiên nếu người từ chối nhận di sản đồng thời cũng là người thừa kế theo luật của người để lại di chúc mà họ chỉ từ chối nhận di sản theo di chúc thì họ vẫn được xác định là một suất khi chia thừa kế theo luật.

2.3 Về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng

          Để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền tài sản liên quan đến di sản của người chết thì quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng của người lập di chúc bị hạn chế trong hai trường hợp sau:

          – Toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng; phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại này (Điều 645, Điều 646 BLDS 2015).

          – Sự định đoạt phạm vi quyền của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 644 BLDS 2015): nghĩa là nếu người lập di chúc dành phần lớn tài sản vào việc thờ cúng, di tặng mà số tài sản còn lại không đảm bảo đủ cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hưởng 2/3 suất thừa kế của họ, thì trước hết phải đảm bảo chia đủ tài sản thừa kế đúng luật cho họ, phần còn lại mới được dùng vào việc thờ cúng, di tặng.

2.4 Về quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất

          Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu của nhà nước, nhà nước thống nhất quản lí nên việc để lại thừa kế quyền sử dụng của loại tài sản đặc biệt này cũng có những quy định riêng.

Luật Đất Đai 2013 quy định như sau:

“Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất

đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.

Như vậy việc xác định một người có được phép để lại thừa kế quyền sử dụng đất hay không cần phải xem xét căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của người đó. Cá nhân, hộ gia đình được để lại thừa kế quyền sử dụng đất nếu được nhà nước giao, cho thuê hoặc quyền sử dụng đất đó được người khác dịch chuyển phù hợp với quy định của pháp luật.

2.5 Về quyền đặt điều kiện trong di chúc

          Người lập di chúc không được đặt điều kiện trong di chúc. Pháp luật thừa kế Việt Nam hiện nay không có quy định nào về việc người lập di chúc có quyền đặt điều kiện với người thừa kế theo di chúc như điều kiện phát sinh quyền thừa kế hay điều kiện chấm dứt quyền thừa kế. Đây không phải là lỗ hổng pháp luật vì:

          – Di chúc là giao dịch dân sự một bên, nội dung di chúc chỉ thể hiện duy nhất ý chí của người để lại di sản. BLDS có quy định về giao dịch dân sự có điều kiện ở Điều 120 nhưng đó chỉ là giao dịch dân sự đa phương, còn di chúc là giao dịch dân sự đơn phương, người lập di chúc không có quyền đặt điều kiện cho người không thể hiện được ý chí của mình.

          – Di chúc chỉ được coi là hợp pháp nếu nội dung di chúc không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 630 BLDS 2015), vì vậy nếu điều kiện đưa ra là không thỏa đáng, buộc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ vượt quá di sản thừa kế, không liên quan đến di sản thừa kế hoặc không phải nghĩa vụ tài sản thì di chúc được coi là bất hợp pháp.

Như vậy pháp luật thừa kế ở nước ta trước hết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thành quả lao động của họ được chuyển qua cho người thừa kế của họ. Thông qua thừa kế, của cải của một người được chuyển dịch từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, ghi nhận và tôn trọng quyền của người lập di chúc chính là pháp luật tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu với tài sản của họ, đảm bảo cho người lập di chúc có quyền sử dụng tài sản ngay cả khi mất, qua đó góp phần củng cố quyền sở hữu chính đáng của mọi cá nhân, bảo toàn và gia tăng tích lũy cho xã hội.

Trên đây là một số quan điểm cơ bản về quyền của người lập di chúc và các trường hợp hạn chế quyền này.  Nếu như bạn vẫn còn có những thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật Đông Nam Hải chúng tôi để được tư vấn và giải đáp rõ ràng, chính xác nhất:

CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI

Hotline:  0976504831/ 0939958886
Email: luatdongnamhai.dnh@gmail.com
Website: 
 http://luatdongnamhai.com

Địa chỉ: Số 39, Tập thể Cục cảnh sát Hình sự, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN

Các bài viết có liên quan:

Những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc;

Chia tài sản thừa kế không có di chúc;

Một số khái quát về thừa kế; Phần 1;