Luật sư tư vấnTranh tụng hình sựTư vấn pháp luậtTư vấn thường xuyên

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo theo quy định của pháp luật Việt Nam

194views

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thời điểm xảy ra ý định chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội chủ động thực hiện hành vi gian dối để nhận, giữ tài sản. Người có tài sản giao tài sản cho người phạm tội cũng dựa trên yếu tố gian dối này. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội nhận được tài sản hoặc giữ tài sản mà không giao trả lại.

Đây là loại tội phạm không mới, nhưng xuất hiện ngày càng nhiều cùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Bài viết kỳ này sẽ phân tích cho quý độc giả cấu thành tội phạm cơ bản của tội này, đồng thời phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt trong BLHS 2015.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi bổ sung năm 2017) như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

II. Các yếu tố cấu thành tội phạm

  1. Chủ thể thực hiện tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 16 trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, có lỗi. Theo quy định tại điều 12 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Tức là trường hợp từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

  1. Khách thể của tội phạm:

            Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác: xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền. Việc xâm phạm quyền sở hữu cũng thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản. Đặc điểm này này được thể hiện trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

  1. Mặt khách quan của tội phạm:

            Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Tức là ở đây phải đồng thời thỏa mãn 2 hành vi: hành vi “gian dối” và hành vi “chiếm đoạt” dựa trên sự gian dối đó.

            Thủ đoạn gian dối được thực hiện bởi một dãy các hành vi gian dối có liên kết với nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: A nói dối với B là mẹ của A ốm phải đưa vào bệnh viện cấp cứu; B tin và đưa xe máy cho A để A đưa mẹ đi cấp cứu. A đem xe ra tiệm cầm đồ cầm cố lấy 10.000.000 đồng, sử dụng đánh bạc thua hết. Nhưng trong một hoàn cảnh khác, A không nói dối với B là mẹ của mình bị bệnh mà lại nói dối với B là mựơn xe chở bạn gái về rồi đem cầm cố lấy tiền đánh bạc. Như vậy việc người phạm tội có hành vi cụ thể nào để đánh lừa được người khác là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và do người phạm tội lựa chọn sao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin mà tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội.

            Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội xảy ra thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác, ví dụ như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội sử dụng nhiều cách khác nhau như: bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, giả danh các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua việc ký kết hợp đồng… Thực tế để xác định hành vi gian dối, thường căn cứ vào các chứng từ, tài liệu, giấy tờ giả (như Hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất, giấy vay tiền…) mà đối tượng dùng để tạo niềm tin cho chủ tài sản, làm cho chủ tài sản tin để giao tài sản.

            Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ. Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản.

Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản cũng có tính chất gian dối, tuy nhiên họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản.

Một đặc điểm khác của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khi bị lừa, người bị hại tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cho rằng việc giao tài sản cho người phạm tội như vậy là hợp pháp và ngay thẳng. Tức là người bị hại tin giả là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

            Thực tiễn xét xử còn nhiều trường hợp cũng có hành vi là thủ đoạn gian dối, cũng có hành vi chiếm đoạt, nhưng hành vi này có những dấu hiệu riêng nên đã được Bộ luật hình sự quy định thành tội phạm độc lập thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị truy cứu về tội phạm tương ứng khác như: hành vi làm hàng giả, buôn bán hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng là hành vi phạm tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả quy; hành vi lừa đảo chiếm đoạt các chất ma tuý là hành vi phạm tội chiếm đoạt chất ma tuý…

            Một điểm cần lưu ý là, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội thường tìm kiếm, phát hiện những cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức có tài sản. Tiếp đó, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm nơi quản lý tài sản mà tội phạm sẽ thực hiện các thủ đoạn gian dối như chuẩn bị các giấy tờ giả, hợp đồng giả, nghĩ cách tiếp cận bị hại. Để có cách tiếp xúc phù hợp, nhanh chóng gây được lòng tin với người bị hại, người phạm tội thường dùng lời nói kết hợp với giấy tờ, đồ vật, hàng hóa giả để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, việc xác định đúng bị hại, đối tượng chiếm đoạt, thời điểm chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội danh. Ví dụ: Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn đa cấp thì một cá nhân có thể vừa là bị hại vừa là tội phạm…

            Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Nhưng không vì thế mà cho rằng, phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm.

Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản những sẽ xét trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

  1. Mặt chủ quan của tội phạm:

            Người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

            Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thực tế việc chứng minh ý thức chiếm đoạt của người phạm tội thường căn cứ vào tài sản thực có, tình trạng tài chính, nhu cầu tài sản của người phạm tội kết hợp với lời khai nhận của người phạm tội như thế nào. Thông thường trước khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị rơi vào hoàn cảnh nợ nần do thua cờ, bạc, lô đề, kinh doanh… không có khả năng trả nợ cho chủ nợ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

III. Về hình phạt

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định trong khoản 1 điều 174, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Với mức cao nhất của khung hình phạt tối đa là 03 năm, đây là loại tội ít nghiêm trọng theo phân loại tội phạm trong BLHS 2015.

– Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi liên quan đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt, đến hậu quả từ hành vi chiếm đoạt và tính chất nghiêm trọng của hành vi chiếm đoạt trên thực tế như: phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp… mà người phạm tội có thể bị xử phạt ở mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc chung thân và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy từ các khoản 2, 3, 4… tội lừa đảo chiếm  đoạt tài sản thuộc loại tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; hình phạt bổ sung cũng được đề cập tại Khoản 5 của Điều luật này.

Trên đây là một số hiểu biết cơ bản về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu như bạn vẫn còn có những thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật Đông Nam Hải chúng tôi để được tư vấn và giải đáp rõ ràng, chính xác nhất!

CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI

Hotline: 0976504831/ 0939958886
Email: [email protected]
Website: 
 http://luatdongnamhai.com

Địa chỉ: Số 39, Tập thể Cục cảnh sát Hình sự, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN

Các bài viết có liên quan:

Các hành vi cấu thành tội hiếp dâm; Luật Đông Nam Hải;

Đồng phạm trong vụ án hình sự và những điều cần biết (Phần 1);

Tư vấn tội mua bán người; Luật Đông Nam Hải;

XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM SỨC KHOẺ CỦA NGƯỜI KHÁC

1 Comment

  1. Apoiar ferramentas de apostas e estar equipado com uma plataforma diversificada de transações financeiras, a 20Bet oferece suporte tangível aos jogadores. Este é um lugar onde eles podem apostar com dinheiro real, respaldados por concorrentes de diversas disciplinas esportivas. 20bet

Comments are closed.