Giai đoạn thi hành án dân sự là giai đoạn tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, do đó có nhiều quan điểm về vai trò của luật sư trong giai đoạn này.
Có quan điểm cho rằng, trong giai đoạn thi hành án, bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyền và nghĩa vụ dân sự của các đương sự đã được quy định rõ ràng, do vậy việc tham gia của luật sư vào giai đoạn này là không cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, thi hành án dân sự là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế nên giai đoạn thi hành án là một giai đoạn rất cần có sự tham gia của luật sư.
Theo Điều 22 của Luật Luật sư quy định về phạm vi hành nghề luật sư. Theo đó, luật sư có thể tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong quá trình thi hành án. Trong giai đoạn thi hành án dân sự, các hoạt động của luật sư rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở các công việc như: tư vấn pháp luật, đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia giải quyết việc thi hành án.
Có thể thấy vai trò của luật sư rất cần thiết, là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và đại diện cho các đương sự trong quá trình thi hành án dân sự, luật sư có vai trò thúc đẩy quá trình thi hành án dân sự. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian vừa qua việc tham gia của luật sư trong hoạt động thi hành án còn rất mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, không phát huy được hết vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này.
Điều này theo quan điểm của người viết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, như về chủ quan: do giai đoạn thi hành án dân sự thường kéo dài vì quá trình xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, do đó một số luật sư “ngại” tham gia vào quá trình này. Mặt khác, trong giới luật sư, số luật sư chuyên về pháp luật thi hành án cũng không có nhiều dẫn đến khách hàng cũng có ít sự lựa chọn. Về khách quan: pháp luật về thi hành án dân sự còn thiếu các quy định cụ thể về việc tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án, nhận thức của người dân về vai trò của luật sư trong thi hành án dân sự còn hạn chế.
Có thể thấy vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án có nhiều tác dụng tích cực không chỉ đối với quyền và lợi ích của các đương sự mà còn góp phần làm minh bạch hóa quá trình tổ chức thi hành án của các chấp hành viên, từ đó thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác thi hành án nói riêng và công tác tư pháp nói chung. Nâng cao vai trò của luật sư trong trong hoạt động thi hành án dân sự, cần bổ sung các quy định về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật Thi hành án dân sự cần quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò của luật sư, sự tham gia, mức độ tham gia, các quyền, nghĩa vụ của luật sư trong giai đoạn thi hành án để tạo hành lang pháp lý cho luật sư có quyền tham gia đầy đủ vào các giai đoạn thi hành án. Mặt khác cũng cần có các quy định hạn chế, điều chỉnh các hành vi vi phạm trong trường hợp luật sư có những hành vi gây cản trở việc thi hành án.
Cần thay đổi tư duy của một số cơ quan thi hành án về vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án.Việc tham gia của luật sư có tác dụng tích cực, thúc đẩy quá trình thi hành án, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự chứ không phải là để nhằm cản trở quá trình thi hành án. Đồng thời đây cũng là một yếu tố để thúc đẩy việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự. Do đó, các cơ quan thi hành án cần có sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tác nghiệp trong giai đoạn thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có sự phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp để có những “tiếng nói chung” trong lĩnh vực này. Cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của luật sư về hoạt động thi hành án. Việc tham gia vào quá trình thi hành án không chỉ là một mảng dịch vụ pháp lý của luật sư mà còn đẩy mạnh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, luật sư cần có những phát hiện kịp thời đối với những sai sót của chấp hành viên, có những đề xuất đúng đắn, chính xác, kịp thời. Đồng thời luật sư cần có những định hướng đúng đắn để các đương sự tuân theo các quy định của pháp luật, khuyến khích, thúc đẩy quá trình thi hành án.
Trên thực tế, sự tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn tư pháp nước ta hiện nay… do đó, đề nghị cần có những giải pháp đồng bộ để nhằm nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của luật sư trong hoạt động này.
Theo Thanh Hoa Nguồn: vnexpress.vn