Tư vấn pháp luậtDịch vụLuật sư tư vấnTranh tụng dân sựTư vấn thường xuyên

Các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

151views

Các tranh chấp phát sinh khi quyền và lợi ích các bên bị xâm phạm, khi đó vấn đề thiệt hại và bồi thường thiệt hại tất yếu được đặt ra. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng đủ cho việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội đang tồn tại và mới phát sinh trong đó có việc giải quyết bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó, trong kỳ này, chúng tôi xin đi vào vấn đề “Các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.”

1.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

a, Nguồn nguy hiểm cao độ

Điều 601 Bộ Luật Dân Sự (BLDS) năm 2015, quy định: “1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”

          Điều luật này không đưa ra một khái niệm chính thống về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ được diễn đạt dưới dạng liệt kê. Các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm:

Thứ nhất: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, bao gồm phương tiện vận tải hoạt động trên đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, được trang bị và hoạt động bằng máy móc

– Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo Khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.”

– Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường thủy thì “phương tiện thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa.” (Khoản 7 Điều 3 Luật giao thông đường thủy nội địa 2004).

– Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường sắt, theo Khoản 20 Điều 3 Luật đường sắt 2005 quy định thì “Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.”

– Đối với phương tiện vận tải hàng không, theo Khoản 1 Điều 13 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 “Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.”

Thứ hai, hệ thống tải điện gồm lưới điện, thiết bị đo đếm điện, hệ thống trang thiết bị phát điện.

Thứ ba, nhà máy công nghiệp là nơi lắp đặt các máy móc, thiết bị nhằm thực hiện hoạt động sản xuất như nhà máy công nghiệp nặng, nhà máy công nghiệp nhẹ.

=> Có thể thấy rằng, phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi chúng hoạt động, có sự vận hành. Còn khi không vận hành, cũng giống như những vật xung quanh, không tiềm ẩn nguy cơ, do vậy không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Thứ tư là vũ khí, bao gồm:

          – Vũ khí quân dụng: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh, các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, các loại đạn, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ quân dụng và các vũ khí khác phục vụ quốc phòng, an ninh.

          – Vũ khí thể thao gồm: các loại súng trường, súng săn thể thao chuyên dụng các cỡ, các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

          – Súng săn gồm: các loại súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng hỏa mai, súng kíp, súng tự chế và các loại đạn, thuốc đạn dùng cho các loại súng nêu trên.

          – Vũ khí thô sơ: dao găm, gậy, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu… (Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12). Tuy nhiên, không phải tất cả mọi loại vũ khí khi sử dụng đều là nguồn nguy hiểm cao độ. Những loại vũ khí thô sơ như dao găm, gậy, đinh ba nhiều khi là công cụ sản xuất, tư liệu sinh hoạt thì không phải là nguồn nguy hiểm cao độ.

Thứ năm, chất cháy, chất nổ,

Theo quy định tại Điều 3 Luật phòng cháy chữa cháy 2013 thì “chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ.” Chất cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí, nước hoặc tác động của các yếu tố khác ở nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, phốt pho…). Chất nổ với khả năng gây ra nổ mạnh, nhanh, tỏa nhiệt và ánh sáng (thuốc nổ, thuốc súng…).

Thứ sáu là chất độc,

Theo quy định tại Khoản 4, 5 Điều 4 Luật Hóa chất 2007 quy định “hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất: “a) dễ nổ; b) ôxy hóa mạnh; c) ăn mòn mạnh; d) dễ cháy; đ) độc cấp tính; e) độc mãn tính; g) gây kích ứng với con người; h) gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư; i) gây biến đổi gen; k) độc đối với sinh sản; l) tích luỹ sinh học; m) ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ; n) độc hại đến môi trường.”. Như vậy, chất độc là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, động vật cũng như môi trường xung quanh.

Thứ bảy, chất phóng xạ 

Là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt động phóng xạ trên 70 kilo Becoren trên kilogam (70kbe/kg) (theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ 1996). Là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân gồm các đồng vị không bền của các nguyên tố hóa học (urani, radi…) có khả năng phóng ra chùm tia phóng xạ không nhìn thấy, gây nhiễm xạ với người, động vật và môi trường sống.

Thứ tám, thú dữ là động vật bậc cao có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, to lớn, rất dữ, có thể làm hại người, ví dụ hổ, báo…(Đại từ điển tiếng Việt)

Ngoài những loại trên thì theo Điều 601 BLDS 2015 còn quy định về ”các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Như vậy có thể hiểu nếu có văn bản pháp luật khác quy định về nguồn nguy hiểm cao độ thì nó sẽ được xác định theo các văn bản này. Tuy nhiên ngoài các nguồn nguy hiểm cao độ được nêu ở trên, cho đến nay chưa có loại văn bản pháp luật nào quy định thêm về vấn đề này.

Như vậy, hiểu một cách khái quát thì Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật trong thế giới tự nhiên hoặc do con người tạo ra mà hoạt động , tính chất hoặc bản năng của những vật này tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho những người xung quanh.”

b, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

          Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ ngay cả khi không có lỗi phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cũng như bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Về đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, xác định trên đặc điểm chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và đặc điểm riêng của chính nó

Thứ nhất, về cơ sở phát sinh trách nhiệm: Phát sinh giữa các chủ thể không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng việc gây thiệt hại không thuộc nghĩa vụ hợp đồng.

Thứ hai, về điều kiện phát sinh trách nhiệm:

Phát sinh trên cơ sở những điều kiện do pháp luật quy định bao gồm có thiệt hại xảy ra, có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ, có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động và hậu quả. Ở đây cần hiểu chính sự “tự thân” gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ là điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không phải hành vi vi phạm nghĩa vụ mà các bên chủ thể đã cam kết thực hiện.

Thứ ba, về chủ thể chịu trách nhiệm: do chủ sở hữu hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường, trừ trường hợp khác do luật định.

Thứ tư, về mức độ bồi thường:

Mức bồi thường thiệt hại gây ra trong trường hợp này phải là bồi thường toàn bộ, tuy nhiên có những trường hợp mức bồi thường theo quy định của pháp luật thấp hơn thiệt hại thực tế, khi việc bồi thường thiệt hại hoàn tất cũng là lúc nghĩa vụ của chủ thể gây thiệt hại chấm dứt.

Thứ năm, về yếu tố lỗi:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh có thể không cần yếu tố lỗi bởi thiệt hại do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do đó nó phát sinh khi thỏa mãn ba điều kiện về hoạt động, về hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động và hậu quả. Đây là một đặc điểm để phân biệt loại trách nhiệm này với các loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

          Thứ sáu, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản chứ không bao gồm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư.

Sở dĩ như vậy bởi danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư là những giá trị nhân thân gắn liền với một cá nhân, tổ chức cụ thể, chúng chỉ có thể bị gây thiệt hại thông qua hành động của con người nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, gây tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại. Mà trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thiệt hại là do tài sản cụ thể tác động mà cụ thể là “phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”.

c, Ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có ý nghĩa pháp lý quan trọng và ý nghĩa xã hội sâu sắc, cụ thể:

          Thứ nhất, nó nhằm khắc phục những hậu quả về tài sản, khôi phục lại tình trạng tài sản của người bị thệt hại trong phạm vi, khả năng nhất định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan.

          Thứ hai, đây là chế định đảm bảo công bằng xã hội, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại tức là nó đã xâm phạm những trật tự xã hội được nhà nước bảo vệ, do đó chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp phải bồi thường.

          Thứ ba, đây là chế định góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Thông qua những biện pháp chế tài nghiêm khắc, chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng tài sản hợp pháp phải có ý thức hơn trong việc trông coi, quản lý tài sản, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

2. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

a, Cơ sở lý luận

          Trong đời sống hàng ngày, khi một chủ thể tham gia vào một quan hệ xã hội nhằm đạt được những mục đích nhất định (có thể là lợi ích vật chất hay tinh thần), chủ thể đó có thể gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng… của chủ thể khác. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng đã giao kết trước, việc bồi thường là điều tất yếu xảy ra. Vậy đặt trong trường hợp không có thỏa thuận trước, việc gây thiệt hại hoàn toàn do tự thân tài sản gây ra thì ai là người bồi thường cho người bị thiệt hại?

          Nhà nước luôn bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản hợp pháp của mọi chủ thể, cụ thể:

Điều 20 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”

Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Như vậy, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (chính từ tài sản của họ) gây ra. Lỗi ở đây của họ chính là thiếu trách nhiệm trong việc trông coi, quản lý tài sản, khiến tài sản gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác mà quyền, lợi ích đó được Nhà nước bảo hộ.

b, Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Thứ nhất, có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người xung quanh

          Trong trách nhiệm này cần lưu ý “người xung quanh” bao gồm những chủ thể nào? Bởi đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là những tài sản có khả năng gây ra thiệt hại trong quá trình vận hành nên nó có thể gây thiệt hại cho bất kì ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, sử dụng, vận hành hoặc chủ thể bất kì không liên quan… Nếu nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho chủ sở hữu thì đó là rủi ro mà họ phải tự gánh chịu. Nếu người bị thiệt hại là người đang sử dụng, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì theo hợp đồng lao động, họ có thể được bồi thường bởi bảo hiểm. Như vậy, trách nhiệm bồi thường chỉ đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho “những người xung quanh”, tức là những người khi thiệt hại xảy ra không có quan hệ lao động hoặc sở hữu liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Đó có thể là hành khách trên một phương tiện giao thông nếu phương tiện này bị tai nạn, khách tham quan trong vườn thú nếu thú dữ bị xổng chuồng…

          Thiệt hại được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích mà một người được hưởng hoặc lẽ ra được hưởng, gồm thiệt hại về vật chất (tài sản, tính mạng, sức khỏe, những giá trị tính toán được thành một khoản tiền nhất định) và thiệt hại về tinh thần. Ở đây cần hiểu thiệt hại về tinh thần không bao gồm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư. Tức sự tổn thất tinh thần của họ, những “đau thương, buồn phiền, mất mát” của họ không bắt nguồn từ sự “bị mọi người xa lánh, bị giảm sút thể diện, tín nhiệm, lòng tin…” mà nó bắt nguồn từ việc sức khỏe của họ bị xâm phạm (chính vì sức khỏe tổn thất dẫn đến họ đau đớn, buồn chán, khó có niềm tin vào cuộc sống, vào sự hồi phục) và thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (khi một người thiệt mạng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, gia đình và người thân của họ rất đau buồn, tổn thất tinh thần là điều chắc chắn).

Thứ hai, có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ

          Trong trường hợp này không sử dụng thuật ngữ “có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật” mà sử dụng thuật ngữ “có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ” bởi thiệt hại xảy ra là do chính tự bản thân nguồn nguy hiểm cao độ vận hành tạo nên chứ không xuất phát từ hành vi trái pháp luật của con người, thiệt hại là do tài sản tạo ra chứ không phải do con người. Sự khác nhau được xác định trên chính bản chất của nguồn nguy hiểm cao độ, đó là những đối tượng vô tri, vô giác, hoạt động theo lập trình, không có tư duy như con người. Việc gây thiệt hại hoàn toàn theo phản xạ, lập trình của tài sản này chứ không do tác động của con người. Cần phân biệt trường hợp này với trường hợp thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ (tức có sự tác động của con người khiến nguồn nguy hiểm cao độ phản xạ theo lập trình, từ đó gây thiệt hại vì mục đích cá nhân).

          Tiếp tục nói đến thuật ngữ “trái pháp luật”. Nhiều trường hợp có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng nó không trái pháp luật, có sự cho phép của Nhà nước, ví dụ cần trục, máy cẩu phá dỡ các công trình xây dựng trái pháp luật. Ở đây rõ ràng có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng nó không trái luật, do đó không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra.

          Mối quan hệ nhân quả được hiểu là sự liên hệ giữa hai hiện tượng, trong đó một là nguyên nhân, một là kết quả. Ở đây, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ được hiểu là nguyên nhân có tính chất quyết định đối với thiệt hại xảy ra hay nói cách khác thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, khi đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được đặt ra.

          Thực tiễn để xác định mối quan hệ nhân quả này không đơn giản, bởi không chỉ đơn thuần một nguyên nhân – một kết quả mà kết quả xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, điều kiện tác động vào. Do đó, cần phải xem xét đâu là nguyên nhân chủ yếu, đâu là nguyên nhân thứ yếu, đâu là điều kiện thúc đẩy xảy ra hậu quả, xác định một cách khách quan, toàn diện, chứng minh sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả từ đó xác định mức độ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, vấn đề lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

          Điều kiện lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau. Xuất phát từ quy định tại Khoản 3 Điều 601 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi”, trừ trường hợp do luật định. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là tự thân nó vận động chứ không phải do hành vi của con người tác động vào, do vậy yếu tố lỗi không phải điều kiện tiên quyết làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

          Các trường hợp như xe đang đi nổ lốp gây tai nạn, dây điện bị chập gây hậu quả chết người…thì lỗi ở đây chính là việc thiếu trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản trong việc kiểm tra trước, kiểm tra định kỳ sự vận hành an toàn của tài sản. Thái độ tâm lý tiêu cực đối với hậu quả xảy ra hoàn toàn không xuất hiện, họ không mong muốn hậu quả xảy ra, không lường trước được hậu quả xảy ra nhưng họ phải có trách nhiệm trong việc bảo quản, kiểm tra, quản lý tài sản của mình.

          Thực tế hiện nay, nền khoa học công nghệ ngày càng phát triển, sự ra đời của các loại máy móc thiết bị cũng không ngừng đổi mới, đôi khi chúng phát triển đến mức nằm ngoài sự kiểm soát của con người, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản…Việc xác định lỗi của các chủ thể liên quan nhiều khi không đáp ứng được sự cấp thiết và chính đáng của việc bồi thường cho chủ thể bị thiệt hại, nhiều trường hợp còn chối bỏ trách nhiệm. Do vậy xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản không có lỗi là hợp lý. Nó vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể, dảm bảo công bằng xã hội, vừa nâng cao được ý thức của người dân trong việc quản lý, khai thác tài sản, tránh cho thiệt hại xảy ra.

c, Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Theo Điều 601 BLDS 2015 quy định:

“3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

          Ngoài hai trường hợp tại Khoản 3, cần xác định rõ trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu khi nguồn nguy hiểm cao độ của mình bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại. Nếu chủ sở hữu đã trông coi, quản lý tài sản cẩn thận theo quy định, định kỳ nhưng vẫn bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây hậu quả thì không có trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu lơ là trong việc quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc trông giữ tài sản khiến nó rơi vào tay kẻ khác gây hậu quả thì phải liên đới bồi thường.

Trên đây là một số quan điểm của chúng tôi về các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra . Quý độc giả quan tâm liên hệ trực tiếp với Luật Đông Nam Hải để có sự tư vấn tốt nhất, xin cảm ơn!

Hãy đến với chúng tôi để trải nghiệm những dịch vụ chất lượng nhất. Mọi chi tiết xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI

Hotline:  0976504831/ 0939958886
Email: [email protected]
Website: 
 http://luatdongnamhai.com

Địa chỉ: Số 39, Tập thể Cục Cảnh sát Hình sự,  Ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội.

Các bài viết có liên quan:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu;

Tìm hiểu về giao dịch dân sự (Phần 1);

Quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia cầm cố tài sản.