Luật sư tư vấnTư vấn pháp luậtTư vấn về hợp đồng, việc dân sự

Phụ lục hợp đồng là gì?

326views

Chúng ta vẫn thường thấy trong quan hệ dân sự hay kinh doanh thương mại, khi một bản hợp đồng được ký kết giữa các bên trong một số trường hợp khi cần thiết sẽ có phụ lục hợp đồng đi kèm. Vậy phụ lục hợp đồng là gì và nó có tác dụng gì? Bài viết dưới đây của Luật Đông Nam Hải xin đưa ra một số ý kiến giải đáp một số thắc mắc xoay quanh thuật ngữ này:

  1. Khái niệm về phụ lục hợp đồng

Nếu như Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ thì phụ lục hợp đồng là văn bản đi kèm theo hợp đồng có chức năng quy định chi tiết một số điều khoản đã được ghi nhận trong hợp đồng hoặc có chức năng quy định việc sửa đổi, bổ sung điều khoản trong hợp đồng mà các bên cùng thống nhất ý chí thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.

Quy định về phụ lục hợp đồng được ghi nhận tại Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật lao động 2012 và các văn bản dưới luật như Nghị định 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng nhưng lại chưa đưa ra khái niệm chung về Phụ lục hợp đồng. Cụ thể:

Điều 403 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Phụ lục hợp đồng:

“1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

  1. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

Điều 24 Bộ Luật lao động 2012 quy định về Phụ lục hợp đồng lao động

“1. Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

  1. Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.”

Khoản 6 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP hướng dẫn về hợp đồng xây dựng quy định về Giải thích từ ngữ

Phụ lục của hợp đồng xây dựng là tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng để quy định chi tiết, làm rõ, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng xây dựng.

2. Đặc điểm của phụ lục hợp đồng

Dựa trên khái niệm chung đã đưa ra về Phụ lục hợp đồng và dựa theo quy định của pháp luật về thuật ngữ này chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm:

  1. Là văn bản đi kèm theo hợp đồng đã ký kết và đóng vai trò là một bộ phận của hợp đồng.
  2. Quy định chi tiết một số điều khoản có trong hợp đồng hoặc có thể dùng để sửa đổi bổ sung cho hợp đồng chính.
  3. Có hiệu lực và giá trị pháp lý như hợp đồng.
  4. Mang tính phụ thuộc và thực hiện cùng với việc thực hiện hợp đồng.
  • Vậy phụ lục hợp đồng đặt ra khi nào?

Dựa theo thỏa thuận mà các bên đã thống nhất và theo nhu cầu trong từng trường hợp cụ thể mà bản hợp đồng được lập nên sẽ có những nét khác biệt. Để đảm bảo được tính chặt chẽ và đảm bảo quyền, lợi ích của các bên tham gia; đôi khi các điều khoản quy định trong hợp đồng rất cần sự chi tiết đồng nghĩa với việc nội dung của hợp đồng sẽ rất dài và phức tạp. Do vậy, thay vì lập một bản hợp đồng chứa đựng quá nhiều nội dung dài dòng, giống như một cuốn sách đi từ phần chung cho đến cụ thể tách bạch rõ ràng người lập hợp đồng thường lựa chọn phương pháp làm một bản hợp đồng ngắn gọn, rõ ràng quy định một cách tổng quát và đảm bảo thống nhất ý chí thỏa thuận của các bên sau đó Phụ lục hợp đồng sẽ đóng vai trò là một phần của hợp đồng để giải thích và quy định điều khoản một cách chi tiết và trong trường hợp có các từ ngữ khó hiểu cần giải thích rõ tránh hiểu nhầm ý nghĩa.

Ví dụ: A và B ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng bản hợp đồng quy định chung chung và có các từ ngữ khó hiểu, dễ gây hiểu lầm. Do vậy, trong trường hợp này để tránh việc các bên không thực hiện đầy đủ hay thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận do hiểu sai ý nghĩa  các điều khoản đã cam kết, việc bổ sung thêm Phụ lục hợp đồng đi kèm để giải thích ý nghĩa các từ ngữ phức tạp, quy định chi tiết điều khoản có chứa các thông tin cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng là điều cần thiết

3. Một hợp đồng có thể đi kèm nhiều phụ lục hợp đồng?

Quy định của pháp luật nói chung (trừ Bộ luật lao động) không có quy định giới hạn về số lượng Phụ lục hợp đồng có thể đi kèm theo một bản hợp đồng. Do vậy tùy thuộc vào nhu cầu mức độ chi tiết, cụ thể và ý chí của các bên sẽ quyết định số lượng Phụ lục hợp đồng.

Có một trường hợp cá biệt đặt ra quy định về số lần sửa đổi của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng đó là trong lĩnh vực lao động. Cụ thể, căn cứ theo Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Hướng dẫn bộ luật Lao động:

“Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động”

Trên đây là một số ý kiến phân tích của Luật Đông Nam Hải về Phụ lục hợp đồng. Hy vọng những ý kiến tư vấn của chúng tôi có thể giúp quý bạn đọc giải đáp được phần nào những thắc mắc xoay quanh chủ đề trên. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT ĐÔNG NAM HẢI

Hotline: 0976504831/ 0939958886
Email: luatdongnamhai.dnh@gmail.com
Website: luatdongnamhai.com

Địa chỉ: Số 39, Tập thể Cục cảnh sát Hình sự, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN

Bài viết có liên quan: 

35 Comments

Comments are closed.