Mặc dù là một thuật ngữ khá quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận thế nào là tranh chấp đất đai. Bài viết sau của Luật Đông Nam Hải xin đưa ra một số phân tích với mong muốn giải đáp và cung cấp thêm những kiến thức pháp lý cho quý bạn đọc xoay quanh vấn đề này:
Thế nào là tranh chấp đất đai?
I. Định nghĩa giải thích:
Hiện nay, trên thực tế cho thấy còn có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tranh chấp đất đai cụ thể như:
- Tranh chấp đất đai là những tranh chấp về quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp đất đai là mọi tranh chấp phát sinh trong quan hệ đất đai bao gồm tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính, mục đích sử dụng đất.
Có một định nghĩa giải thích được đưa ra theo Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013:
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Có thể thấy khái niệm tranh chấp đất đai được nêu trong Luật đất đai là một khái niệm bao hàm cả tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về địa giới hành chính.
Đất đang có tranh chấp được hiểu là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác, với Nhà nước (về vấn đề bồi thường đất) hoặc giữa những người sử dụng chung mảnh đất đó với nhau đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất…
Đất đang có tranh chấp cũng có thể hiểu là đất tranh chấp giữa hai cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp.
II. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Có rất nhiều dạng tranh chấp đất đai xảy ra trong cuộc sống. Và theo đó, Luật đất đai 2013 cũng đã phân thành hai hệ thống cơ quan xét xử về các tình huống tranh chấp đất đai bao gồm: Tòa án nhân dân, và Ủy ban nhân dân.
Trong trường hợp tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này.
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
- Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
- Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trên đây là một số phân tích của Luật Đông Nam Hải về Tranh chấp đất đai. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật TNHH Đông Nam Hải để được tư vấn giải đáp.
Hotline: 0976504831/ 0939958886
Email: luatdongnamhai.dnh@gmail.com
Website: http://luatdongnamhai.com
Địa chỉ: Số 39 tập thể Cục Cảnh sát hình sự, ngõ 187 Trung Kính – Yên Hòa – Cầu Giấy – HN